Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2019

4 CẢNH BÁO TRONG BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN TIẾNG ANH ĐÁP ỨNG CHƯƠNG TRÌNH GDPT MỚI

Trong bối cảnh dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam còn nhiều khó khăn như hiện nay, Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới   sẽ đặt ra những thử thách không nhỏ đối với công tác bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh, nhất là giáo viên ở 2 cấp học THCS, THPT.

Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) môn tiếng Anh mới (ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã kế thừa và tích hợp những đường hướng giáo dục tiên tiến trên thế giới như dạy học theo định hướng phát triển năng lực, lấy người học làm trung tâm, và đảm bảo tính linh hoạt để phù hợp với bối cảnh dạy và học tiếng Anh tại các địa phương khác nhau …
Tuy nhiên, không khó để nhận thấy trong bối cảnh dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam còn nhiều khó khăn như hiện nay, chương trình GDPT mới nói trên cũng sẽ đặt ra những thử thách không nhỏ đối với công tác bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh nói chung  và công tác bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh ở hai cấp học THCS, THPT nói riêng.
Chương trình GDPT mới sẽ đặt ra những thử thách không nhỏ đối với công tác bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh.
Tiến sĩ Vũ Hải Hà – Trưởng Khoa Sư phạm Tiếng Anh – Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐHQGHN đã đưa ra 4 đề xuất chính nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên ở hai cấp học trên trong thời gian tới.
Giáo viên phải hiểu khái niệm mới
Thứ nhất, Nếu như trước đây, việc giảng dạy tiếng Anh tập trung chủ yếu vào việc phát triển ở người học năng lực sử dụng tiếng Anh làm công cụ giao tiếp, thì với đường hướng phát triển năng lực và lấy người học làm trung tâm, chương trình giáo dục phổ thông tiếng Anh mới còn song song hướng tới việc bồi dưỡng kiến thức của người học về ngôn ngữ và văn hóa của các nước nói tiếng Anh cũng như Việt Nam.
Đồng thời, phát triển ở người học thái độ tích cực đối với việc học, định hướng học tập trong tương lai, nghề nghiệp, cũng như với người dân và văn hóa của các nước trên thế giới; phát triển kỹ năng, phương pháp học tập tiếng Anh cũng như những môn khác trong CTGDPT.
Điều này cho thấy các chương trình bồi dưỡng giáo viên cũng phải có sự điều chỉnh tương ứng, để không chỉ trang bị cho giáo viên kiến thức hay kỹ năng giảng dạy các kỹ năng thực hành tiếng, mà còn có thể giúp cho họ hiểu rõ và nắm vững được những khái niệm mới trong CTGDPT mới, như “năng lực”, “thái độ” hay “kỹ năng (mềm)”…hay những nội dung kiến thức mà nhiều giáo viên có thể còn chưa thấy tự tin, như kiến thức văn hóa thế giới và Việt Nam, hay mối liên hệ giữa môn tiếng Anh với các môn học khác trong CTGDPT tổng thể.
Giáo viên phải biết lồng ghép kỹ năng mềm với kiến thức văn hóa
Thứ hai, công tác bồi dưỡng cũng cần hỗ trợ giáo viên phương pháp, cách thức, thủ thuật dạy học… nhằm đạt được những mục tiêu trên trong bài dạy của mình. Nói cách khác, nếu người học cần phát triển bộ ba: kiến thức, kỹ năng (bao gồm kỹ năng thực hành tiếng cũng như kỹ năng mềm) và thái độ, thì người dạy cũng cần nắm được phương pháp giúp cho người học phát triển những kiến thức, kỹ năng, thái độ đó.
Ví dụ như chương trình bồi dưỡng giáo viên trong thời gian tới cần giúp giáo viên biết cách lồng ghép việc phát triển những kỹ năng mềm, những kiến thức văn hóa, hay những kiến thức của các môn học khác thông qua việc dạy tiếng Anh.
Điều này về lý thuyết có thể đạt được thông qua các hình thức dạy học phi truyền thống như: dạy học qua dự án, dạy học tích hợp các kỹ năng, dạy tiếng Anh thông qua các nội dung chuyên ngành… nhưng thực tế cho thấy những hình thức dạy học này còn khá mới mẻ ở Việt Nam và có thể gây bỡ ngỡ đối với nhiều giáo viên.
Do đó, họ cần phải được học hỏi, trau dồi, luyện tập thêm mới có thể áp dụng chúng nhuần nhuyễn và hiệu quả trên lớp học của mình.
Giáo viên được chủ động trong lựa chọn tài liệu
Thứ ba, công tác bồi dưỡng cũng giúp cho giáo viên tự tin, chủ động và linh hoạt hơn trong lớp học của mình.
Thay vì việc dạy cho giáo viên cách dạy học theo một bộ sách, một giáo án cụ thể, một phương pháp duy nhất được cho là “tối ưu” hay thiết kế và tiến hành kiểm tra đánh giá theo một hình thức duy nhất hay theo một bài thi chuẩn nào… thì việc bồi dưỡng giáo viên trong thời gian tới cần hướng tới giúp cho giáo viên dạy học và kiểm tra đánh giá đáp ứng các yêu cầu được đặt ra của một chương trình khung chung (CTGDPT môn tiếng Anh mới).
Điều đó có nghĩa là giáo viên (với sự tư vấn của những bên liên quan) có thể chủ động hơn trong lựa chọn tài liệu, nội dung, quy trình và phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá … phù hợp với việc đạt được mục tiêu chung của CTGDPT môn tiếng Anh đề ra cho cấp học, hay lớp học đó.
Giáo viên, cần được hướng dẫn cách lựa chọn, thiết kế, điều chỉnh, đánh giá tài liệu, cách kết hợp nhiều phương án dạy học, tổ chức lớp học, kiểm tra đánh giá khác nhau, phương thức thực hiện các hoạt động đánh giá đồng cấp, tự đánh giá và chiêm nghiệm (reflexive practices)… để có thể tự tin, chủ động và linh hoạt hơn trong công tác giảng dạy của mình.
Tránh bồi dưỡng nặng về lý thuyết, xa rời thực tiễn
Thứ tư, công tác bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh cũng cần nắm được đặc thù của cấp học cũng như vùng miền … để đưa ra những nội dung và phương pháp bồi dưỡng hiệu quả dành cho giáo viên.
Dễ nhận thấy hình thức bồi dưỡng giáo viên nặng tính lý thuyết, giáo điều, nhồi nhét và xa rời thực tế… ngày càng trở nên lỗi thời và bất cập, đặc biệt đối với việc thực hiện CTGDPT mới.
Ví dụ như với cấp THCS, làm sao để lồng ghép các hình thức dạy học hiện đại như dự án, trải nghiệm, tích hợp nhiều kỹ năng, hay thông qua các nội dung chuyên ngành … trong điều kiện lớp học có sĩ số đông, cơ sở vật chất hạn chế và thời lượng eo hẹp là một trong những vấn đề gây nhiều khó khăn đối với giáo viên.
Do đó, nếu các chương trình bồi dưỡng giáo viên chỉ bàn luận một cách chung chung, hàn lâm, mà không giải quyết trực diện những vấn đề nói trên bằng cách đưa ra những gợi ý, phương án dạy học… cho giáo viên, hay đơn giản là dành thời gian cho chính giáo viên thực hành, nhận xét lẫn nhau, và cùng chia sẻ trải nghiệm, sáng kiến của bản thân mình để giải quyết những vấn đề hàng ngày trên lớp học, thì các chương trình bồi dưỡng đó khó có thể khiến giáo viên cảm thấy hữu ích được.
Trên đây là một số đường hướng có tính gợi ý nhằm hướng tới cải thiện chất lượng bồi dưỡng giáo viên cấp THCS và THPT nhằm đáp ứng nhu cầu của CTGDPT môn tiếng Anh mới.
Mặc dù những giải pháp trên có thể chưa thật sự toàn diện, đầy đủ thì việc nâng cao nhận thức và kêu gọi sự tham gia đồng bộ của các đối tượng liên quan tới công tác bồi dưỡng giáo viên (như các nhà hoạch định chính sách, các đơn vị cung cấp các chương trình bồi dưỡng giáo viên, các đơn vị đào tạo cử giáo viên tham gia công tác bồi dưỡng, giáo viên tham gia bồi dưỡng…) là hết sức cần thiết để CTGDPT môn tiếng Anh mới có thể phát huy được tính hiệu quả của mình sớm nhất trong thời gian tới.
Tiến sĩ Vũ Hải Hà – Trưởng Khoa Sư phạm Tiếng Anh – Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐHQGHN.

Những sản phẩm văn phòng chất lượng hiện đại, chất liệu cao cấp, những bài viết hay và hấp dẫn

Có thể bạn quan tâm